Thon gọn bất ngờ ngay sau sinh: Cẩn thận hậu sản mòn!


Sau sinh, mẹ Hoài chỉ mất vài tuần để lấy lại cân nặng và vóc dáng khiến ai cũng tấm tắc ngưỡng mộ. Thế nhưng sau đó, chị vẫn tiếp tục gầy đi, gầy đến mức báo động. Gia đình đưa chị đi khám thì được bác sĩ chẩn đoán bị hậu sản mòn. Vì vậy mới nói, không sồ sề sau sinh cũng đừng vội mừng, vì biết đâu mẹ lại đang bị bệnh?

Hậu sản mòn là gì? Làm sao để biết mình bị hậu sản mòn?


Hậu sản mòn là một vấn đề sức khỏe của phụ nữ sau sinh với biểu hiện chính là thân hình ngày càng gầy yếu, thiếu sức sống. Bệnh không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của người mẹ mà còn tác động rất xấu đến sức khỏe của em bé.

Để nhận biết hậu sản mòn, người mẹ và các thành viên trong gia đình có thể dựa vào những triệu chứng dưới đây.

- Hậu sản mòn cấp độ nhẹ:

+ Sụt cân nhanh chóng, cơ thể gầy gò, xanh xao.

+ Chán ăn, thường xuyên bị nóng bụng, sôi bụng.

- Hậu sản mòn cấp độ nặng hơn:

+ Thân hình gầy yếu, không có sức sống.

+ Kém ăn, kém ngủ, xanh xao, ít sữa cho con bú.

+ Phù chân, tay, mặt.


hậu sản mòn

Nguyên nhân dẫn đến hậu sản mòn


- Ăn uống thiếu chất: Sau khi sinh con, người mẹ bị tổn hại nhiều về thể lực, nếu chế độ ăn uống không đảm bảo chất dinh dưỡng, giảm cân quá sớm hoặc phải kiêng khem quá mức thì rất dễ bị hậu sản mòn.

- Làm việc quá sức: Người mẹ phải được nghỉ ngơi sau sinh ít nhất là 1 tháng. Thời gian này, mẹ chỉ nên làm những việc nhẹ nhàng như vệ sinh cá nhân, tắm rửa, thay tã cho con, cho con bú và đi lại nhẹ nhàng để vận động. Làm việc quá sớm hoặc thức đêm chăm con đều là những việc làm quá sức với một người mẹ mới sinh.

- Căng thẳng, stress: Nguyên nhân này dễ gặp ở những mẹ sinh con lần đầu, người mẹ phải chịu áp lực về kinh tế gia đình khiến trong người luôn mệt mỏi, lo lắng, khó chịu. Nếu tình trạng này kéo dài, người mẹ không chỉ bị hậu sản mòn mà còn rất dễ bị trầm cảm sau sinh.

- Ở cữ quá lâu, ít vận động: Trong thời gian ở cữ, nếu người mẹ kiêng khem quá mức đến độ không được vận động, không được ra ngoài, không được tắm rửa… sẽ rất dễ bị tù túng, u uất, suy nhược và không thích ứng được với sự thay đổi của thời tiết ngoài môi trường, lâu dần sẽ dẫn đến hậu sản mòn.

- Quan hệ tình dục quá sớm: Mặc dù đây không phải là nguyên nhân chủ yếu nhưng việc quan hệ sớm khi tử cung chưa sẵn sàng cũng có thể khiến bệnh xảy ra. Với trường hợp mẹ sinh mổ, vấn đề này sẽ càng trầm trọng hơn.

 

Bị hậu sản mòn phải làm sao?


- Bổ sung khẩn cấp chế độ ăn uống nhiều rau xanh, hoa quả, uống nhiều nước. Các loại thịt cá, trứng sữa cũng cần phân bổ hợp lý vào các bữa ăn hàng ngày.

- Dành thời gian cho các hoạt động ngoài trời như đi bộ, ngồi thiền, tập yoga, thể dục phù hợp với thể trạng của bản thân.

- Nghỉ ngơi hợp lý, nhờ sự giúp đỡ của các thành viên trong khác trong gia đình nếu như việc chăm con quá vất vả.

- Thường xuyên tâm sự, chia sẻ với mọi người về những khó khăn trong cuộc sống để thoát khỏi tâm trạng căng thẳng.

- Trường hợp bệnh đã nặng cần đưa người mẹ đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.

Ngày nay, đời sống sản phụ được nâng cao, hậu sản mòn không còn phổ biến như trước kia nhưng không vì thế mà chúng ta được phép chủ quan. Khi thấy những dấu hiệu đầu tiên của bệnh, hãy tìm cách khắc phục càng sớm càng tốt.

Đăng nhận xét